CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN, HÀNH VI SAI TRÁI VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ NHẰM NÂNG CAO TÍNH TUÂN THỦ PHÁP LUẬT VỀ THUẾ - Bài 2: Lập khống Bảng kê và kê khai khống chi phí

Thứ năm - 16/05/2024 23:58 141 0
Dưới đây là một số thủ đoạn, hành vi sai trái được Tổng cục Thuế cảnh báo tại chương trình “Thuế và Đời sống” thời gian qua. Tính nhân văn của chương trình này giúp cảnh báo cho người nộp thuế - tương tự như biển báo hiệu nguy hiểm giao thông đường bộ vậy, giúp lái xe không lao xuống kè hay vực sâu phía trước khi tham gia giao thông.
CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN, HÀNH VI SAI TRÁI VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ NHẰM NÂNG CAO TÍNH TUÂN THỦ PHÁP LUẬT VỀ THUẾ - Bài 2: Lập khống Bảng kê và kê khai khống chi phí

Những nội dung trên có thể xem là những rủi ro cần và phải được tổng hợp để nâng tầm quản lý rủi ro về thuế đã và đang được Tổng cục Thuế đi sâu nghiên cứu, phân tích và đề xuất cho bộ phận Quản lý tuân thủ khi hình thành bộ máy chức năng này tại cơ quan Tổng cục Thuế, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Bài 2: Lập khống Bảng kê và kê khai khống chi phí

Ngành Thuế thời gian qua đã tăng cường giám sát hoạt động mua hàng hóa, lập chứng từ thông qua hình thức Bảng kê

Trường hợp doanh nghiệp lập bảng kê hàng hóa mua vào của người bán không có hóa đơn

Theo quy định, doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân không kinh doanh trực tiếp sản xuất, nuôi trồng bán ra, khi đó, doanh nghiệp phải tiến hành lập bảng kê mua hàng hóa theo quy định để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên để hiểu rõ và thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc lập Bảng kê thu mua hàng hóa tổ chức, doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung để thực hiện đúng quy định pháp luật.

Các trường hợp được phép lập Bảng kê hàng hóa mua vào

Căn cứ Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính) quy định hàng hóa mua vào được phép lập Bảng kê theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC để tính chi phí khi xác định thu nhập tính thuế TNDN, gồm có:

- Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra.

- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra.

- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra

- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt

- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra

- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Nguyên tắc lập Bảng kê hàng hóa mua vào theo mẫu số 01/TNDN

- Đúng thực tế mà doanh nghiệp mua của người bán là người trực tiếp sản xuất, đánh bắt, khai thác.

- Bảng kê phải được lập theo thứ tự thời gian, thời điểm thu mua và được ghi đầy đủ các chỉ tiêu theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC.

- Căn cứ để lập Bảng kê hàng hóa mua vào là chứng từ chi tiền hàng thực tế mua bán giữa người bán và người mua (trong đó ghi rõ số lượng, giá trị hàng hóa, ngày thu mua; thông tin người bán: họ tên, địa chỉ, số CMND/CCCD) có chữ ký xác nhận của cả bên mua và bên bán.

Phát hiện một số trường hợp lập khống Bảng kê và kê khai khống chi phí

Qua việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác tại một số tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng Bảng kê hàng hóa mua vào, đã xác định một số vi phạm về Bảng kê để tính chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với sản phẩm, hàng hóa là nông sản, thủy sản, hải sản,… của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp lập Bảng kê thu mua hàng hóa của các hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng thực tế, những người này không trực tiếp bán cho doanh nghiệp, hoặc sản lượng bán ra không phù hợp với diện tích thực tế canh tác.

Ngày 02/4/2024, Tổng cục Thuế có công văn số 1336/TCT-TTKT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua hàng hóa bằng hình thức Bảng kê này. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế tăng cường xác minh các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức Bảng kê được quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015) để xác định tính hợp lý, hợp pháp...làm căn cứ xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hợp lý, đúng quy định, tránh thất thu Ngân sách nhà nước.

Xử lý vi phạm khi lập Bảng kê hàng hóa mua vào không đúng quy định

Doanh nghiệp có hành vi cố tình gian lận thông qua việc lập Bảng kê khống hàng hóa mua vào để tính vào chi phí, gây ra thất thu ngân sách nhà nước; hành vi này là hành vi trốn thuế. Đối với hành vi trốn thuế thì tùy thuộc vào mức độ, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Ngoài ra, việc trốn thuế còn gây tổn hại đến danh dự, danh tiếng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, cơ quan thuế đã cảnh báo các tổ chức, doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hàng hóa nông, lâm, thủy, hải sản,…) thực hiện rà soát lại các khoản chi phí thu mua hàng hóa mua bằng Bảng kê; loại trừ các chi phí thu mua không đúng quy định, không đúng thực tế phát sinh và thực hiện điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước. Cơ quan thuế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh nếu phát hiện các doanh nghiệp có vi phạm thì xử lý theo quy định. Trường hợp nghiêm trọng, nếu có dầu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý.

Với ứng dụng của công nghệ thông tin, ứng dụng quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số hiện nay, thì những hóa đơn, chứng từ này của doanh nghiệp được lưu vết (theo quy định phải được lưu giữ ít nhất 10 năm) và cơ quan thuế có đủ công cụ để truy lần ra các sai phạm đó. Do đó lựa chọn chấp hành pháp luật thuế, hay dùng các “chiêu” mua khống hóa đơn, chứng từ, vv … đều không phải là lựa chọn khôn ngoan hay đúng đắn đối với doanh nghiệp; nhà quản lý doanh nghiệp cũng cần hiểu biết để quản trị trong nội bộ doanh nghiệp mình./.

Tổ Web - Tổng cục Thuế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay1,261
  • Tháng hiện tại16,655
  • Tổng lượt truy cập1,332,657
Thăm dò ý kiến

Bạn có hài lòng với các dịch vụ công của Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây